Thân chào các bạn,
Có thể nói tiêu đề “Bảo tồn nguồn nguyên liệu quý giá” của 1 bài báo giấy được tác giả Thụy Du viết 22/09/2016 luôn làm thôi thúc người đọc mong muốn hiểu thêm về khái niệm dự án Hoa Văn Đại Việt với việc bắt đầu hình thành dự án từ những năm 2015 ra mắt vào T1/2017 – Nay cũng như nhiệm vụ của dự án. Lời đầu tiên xin cảm ơn trân trọng nhất đến các cô các chú các anh chị em đã bước những bước đầu tiên hình thành dự án. Nay mình xin chia sẻ lại nội dung bài viết để các bạn chưa biết hiểu phần nào về dự án “Hoa Văn Đại Việt”.
Năm 2015 dự án “Hoa Văn Đại Việt” do nhóm Đại Việt Cổ Phong và các bạn CTV chung tay bước đầu thực hiện. Nhóm Đại Việt Cổ Phong với những người trẻ đam mê tìm hiểu văn hóa cổ Việt Nam với mong muốn tái hiện văn vật nước Việt xưa và tìm đời sống mới cho chúng ở thời nay. Trong đó, những hoa văn đặc trưng của người Việt là một phần nghiên cứu quan trọng.
Cù Minh Khôi, họa sĩ tư vấn – nghiệm thu, đồng chủ nhiệm dự án bày tỏ: “Chúng ta trăn trở tại sao có nhiều ý kiến về việc trang phục, tạo hình, kiến trúc trong các tác phẩm văn hóa Việt Nam lại không hề giống Việt Nam? Đó một phần là do những người sáng tạo chưa có điều kiện tiếp cận nguồn tư liệu văn hóa dồi dào của dân tộc. Bản thân tôi trong thời gian thiết kế trang phục và đạo cụ cho phim Nhật Hoàng Trần Nhân Tông thấy rằng hoa văn của người Việt rất đa dạng, phong phú nhưng chưa được hệ thống hóa để tiện lợi cho việc sử dụng”.
Nhu cầu phục cổ và mô phỏng nét cổ trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật đương đại là rất lớn. Nhà thiết kế trang phục cho bộ phim cổ trang, họa sĩ truyện tranh sáng tác bộ truyện lịch sử, chuyên gia thiết kế đồ họa cho trò chơi điện tử mong muốn ” thổi hồn” Việt vào game mới của mình…, tất cả đều cần đến những hoa văn đúng niên đại, thời kỳ. Nhưng họ thường gặp khó khăn về nguồn tư liệu và mất nhiều thời gian nếu muốn thực hiện ý tưởng một cách nghiêm túc.
Cuối năm 2015, dự án được khởi động bằng việc gây quỹ cộng đồng. “Chỉ cần 100 triệu đồng, dự án có thể hoàn thành”. Họa sĩ Cù Minh Khôi cho biết. Sau 3 tháng huy động, dự án đã được 395 người ủng hộ, số tiền thu được gần gấp rưỡi so với mong muốn. Các bạn trẻ trong nhóm tiến hành khảo sát tại các bảo tàng, di tích, tham khảo sách lịch sử, mỹ thuật (có ảnh chụp hiện vật). Hoa văn có ở cổ vật, vũ khí, tranh giấy, trên tường, cột, mái, bệ, tượng, bia ký, tháp, đồ gốm,… các thời kỳ. Chúng được các thành viên chụp lại, đưa vào máy tính xử lý bằng phần mềm đồ họa, hình thành hệ thống dữ liệu mở để mọi người có thể xem, sử dụng.
Đầu tháng 8/2016, đã có 50 mẫu hoa văn số hóa đã được gửi đến những người ủng hộ dự án, trong đó có 30 mẫu hoa văn thời Nguyễn và 20 hoa văn thời Lê. Từ đây, nhóm nhận được những phản hồi tích cực. Nhiều mẫu hoa văn được chia sẻ rộng rãi và không ít người sử dụng đã gửi về cho nhóm kết quả sáng tạo mới nhất dựa trên số hoa văn này. “Có một số đơn vị xin phép sử dụng những mẫu hoa văn này trong sản phẩm của họ, chúng tôi rất vui bởi đây chính là mục đích của dự án” để người sáng tạo sử dụng miễn phí và giúp tinh hoa văn hóa mỹ thuật cổ của cha ông sống lại trong các sản phẩm nghệ thuật đương đại”, họa sĩ Cù Minh Khôi chia sẻ.
Tháng 11/2016 toàn bộ 250 mẫu hoa văn thời kỳ Lý -Trần – Lê -Nguyễn đã được công bố. Khi hoàn thiện bộ “Hoa Văn Đại Việt” sẽ có một phiên bản phổ thông gồm 200 mẫu được đăng tải trên mạng cho cộng đồng sử dụng miễn phí, bộ đầy đủ 250 mẫu dành cho những người ủng hộ dự án. Ngoài ra còn phải kể đến cuốn sách “Hướng dẫn sử dụng hoa văn được biên soạn bởi nhóm Đại Việt Cổ Phong, do các họa sĩ truyện tranh của Comicola minh họa và cuốn sách tô màu “Hoa Văn Đại Việt” cũng như nhiều sản phẩm ứng dụng từ dự án.
– Trích nguồn Dự án “Hoa Văn Đại Việt” đăng trên Báo Hà Nội mới số ra thứ 5 ngày 22/9/2016
với tựa đề “Bảo tồn nguồn tư liệu quý giá”-
Cảm ơn các bạn đã quan tâm.