Xin chào: Khách

BIỂU TƯỢNG SÓNG NƯỚC – NÚI NON TRONG LỊCH SỬ MỸ THUẬT KIẾN TRÚC ĐẠI VIỆT THẾ KỶ XI – XV

24/02/2020

Khảo về biểu tượng sóng nước – núi non trong lịch sử mỹ thuật- kiến trúc Đại Việt thế kỷ XI- XV

Biểu tượng sóng nước và núi non trong mỹ thuật thời Lý – Trần . TC Nghiên cứu Mỹ thuật. 04/ 2014- 01/2015.

Tóm tắt: Hình tượng sóng nước- núi non mới để lại những dấu vết vật chất rõ nét trong nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc thời Lý Trần. Trên cơ sở khảo sát 70 hiện vật khảo cổ- mỹ thuật cổ, bài viết sẽ tiến hành tổng thuật các nghiên cứu giải mã biểu tượng của các nhà nghiên cứu đi trước và đưa ra những kiến giải riêng về cặp đôi biểu tượng này. Các nhà nghiên cứu trước nay dùng một số thuật ngữ khác nhau để định danh cho đối tượng nghiên cứu. Bài viết đề xuất sử dụng khái niệm “sóng”/ “sóng nước” và “núi”/ “núi non” khi khảo tả các motif khắc họa trên hiện vật. Từ góc độ biểu tượng tôn giáo, các họa tiết “sóng- núi” là biểu tượng cho cửu sơn bát hải trong một tiểu thế giới (mandala) theo thế giới quan của Phật giáo. Kết luận này của bài viết góp phần củng cố quan niệm “mỹ thuật Lý Trần là mỹ thuật Phật giáo”của cố giáo sư Chu Quang Trứ.

Từ khóa: sóng (sóng nước), núi (núi non), biểu tượng, cửu sơn bát hải (chín núi tám biểu), núi Tu Di (Meru), tiểu thế giới (mandala), Phật giáo.

Ảnh: đồ án cửu sơn bát hải, chân kè tháp, Lý, chùa Dạm. Ảnh: TTD, 2012.

Sóng nước và núi non là một cặp đôi biểu tượng văn hóa mang tính phổ quát trong mọi nền văn hóa. Nước và núi được hiểu như là hai yếu tố trái cực, trái dấu, hai thực thể đối nghịch với nhau nhưng luôn phải nương dựa vào nhau. Thế nhưng, xét ở từng góc độ, từng nền văn hóa, thì sóng nước- núi non lại có những hàm nghĩa biểu tượng khác nhau. Điều này khiến cho cặp đôi hình tượng này được lưu dấu qua những thể nghiệm nghệ thuật khác nhau ở từng thời kỳ, ở từng nền văn hóa. Trong nghệ thuật Việt Nam, các hình tượng sóng nước- núi non đã xuất hiện khá sớm ngay từ thời Sơ sử với những đường lợn sóng theo kiểu khuông nhạc trên các sản phẩm gốm [Nguyễn Du Chi 2003: 191], hay hình ảnh sóng nước- cá sấu trong nghệ thuật Đại La thời Bắc thuộc. Nhưng phải đến giai đoạn độc lập tự chủ, hình tượng sóng nước- núi non mới để lại những dấu vết vật chất rõ nét trong các loại hình nghệ thuật, tiêu biểu là điêu khắc và kiến trúc.

Bài viết này sẽ tiến hành nghiên cứu, khảo sát các hình tượng sóng nước- núi non qua 70 hiện vật trải từ thời Lý- Trần cho đến đầu thời Lê sơ- Mạc. Sau quá trình điền dã, sưu tầm và thống kê, chúng tôi nhận định rằng, 98% các di vật có hình tượng sóng nước núi non đều xuất hiện trong không gian văn hóa Phật giáo thuộc thời Lý Trần. Điều đó có cơ sở để định hướng rằng: phải giải mã các hình tượng trên từ ý niệm triết học và mỹ học của Phật giáo, đúng như nhà nghiên cứu Tru Quang Trứ từng đưa ra một định đề phổ quát về giai đoạn này: Mỹ thuật Lý Trần- Mỹ thuật Phật giáo.

Ngoài việc khảo tả hiện vật, bài viết sẽ tiến hành nghiên cứu về biểu tượng Phật giáo qua các tài liệu văn hiến (thành văn), chủ yếu là qua hệ thống kinh điển Phật giáo, như Pháp giới an lập đồ, Phật tổ thống kỷ,…. Cuối bài viết là bảng thống kê hiện vật để các nhà nghiên cứu tiện kiểm chứng, hoặc sửa chữa, bổ sung tư liệu.

Qua số liệu thống kê của chúng tôi, hình tượng sóng nước- núi non xuất hiện với tần số khá cao và khá thống nhất trong các hiện vật thời Lý Trần và rải rác ở thời Lê sơ- Mạc. Việc xuất hiện với tần số cao như vậy, khiến cho đối tượng này trước nay đã được các nhà nghiên cứu khảo tả và nghiên cứu khá dày dặn. Nhưng về cơ bản, các nhà khảo cổ học, lịch sử mỹ thuật và văn hóa học hầu như vẫn chưa thống nhất với nhau về thuật ngữ tên gọi của biểu tượng này. Người thì gọi gộp coi đó là “sóng nước”, người thì “sóng hình sin” – “sóng lớn”, người thì gọi đó là “sóng hình nấm”, “sóng hình núi”, “sóng dẹo”, hay “hoa văn sơn thủy”… Cụ thể, chúng tôi xin được lược thuật các ý kiến trên như dưới đây.

Chu Quang Trứ và Trần Lâm Biền là những học giả đưa ra những khảo tả khá sớm: “sóng ở đầu thế kỷ XIV còn mang hình nấm như ta thấy trên tháp Phổ Minh, nhưng đến cuối thế kỷ ấy chỉ còn sóng hình núi nằm trên loại sóng uốn lượn nhẹ nhàng và đều đặn mà ta thường thấy dưới chân nhiều mảng chạm.”[1]

Ngô Văn Doanh (1986 : 63) lý giải rằng đây là hình tượng của núi và nước nên gọi là hoa văn sơn thủy. Nó phù hợp với triết lý thiền phổ biến ở các nước thời bấy giờ, mà họa sĩ thiền học Trung Quốc cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII đã tổng kết « nước là biểu hiện của tâm linh, còn núi là hòa điệu » [Chuyển dẫn Nguyễn Du Chi 2003 : 191].

Nguyễn Du Chi trên cơ sở gợi ý của Ngô Văn Doanh đã viết: “Có điều hoa văn sóng nước này thường được trang trí ở phía dưới các bệ tượng Phật, ở các thành bậc cơ phượng múa, có các tiên nữ dâng hoa và các hình lá đề linh thiêng cao quý… Điều đó chứng tỏ hoa văn sóng nước này tượng trưng cho sự trong sạch, thanh cao. Và những gì xuất hiện trên sóng nước này đều linh thiêng cao quý, không lấm bụi trần, đều là chốn của thế giới cực lạc”[2]

Tống Trung Tín: “Sóng thời Lý Trần thường có hai phần: phần dưới là những đường lượn đều hình sin, phần trên là các ngọn sóng nhô cao” trong đó tác giả chia “sóng nhô cao” thành bốn loại biến thể là (1) ngọn sóng nước hình núi, ví dụ như ở tháp Chương Sơn; (2) ngọn sóng nước hình nấm, như ở chân cột đá chùa Dạm; (3) sóng bạc đầu, như ở ở đế tháp Đăng Minh; (4) sóng dẹo, giống hình núi nhưng nghiêng dẹo tự do, như diềm sóng chân bia Sùng Thiện Diên Linh[3].

Nguyễn Hải Phong ghi: “Trụ rồng cuốn thành Thăng Long, cột biểu chùa Dạm, chân bệ tượng A Di Đà chùa Phật Tích, dưới chân chạm sóng nước, khối nổi cao lượn nhấp nhô theo hình sin chạy kín chung quanh” [4]. Tu Di tòa tượng Phật chùa Phật Tích: “bệ đá này hình bát giác, gồm 5 tầng thu nhỏ dần lên trên, chạm khắc nổi đều các mặt. Dưới cùng hoa văn sóng nước chia ba lớp, một hình sin sát mặt đất, giữa các gợn sóng nhỏ, trên cùng sóng lớn dựng đứng như hình chóp của núi đá”[5].

Trần Thị Biển gọi gộp giản đơn là “sóng nước”, “rồng” bệ tượng Phật chùa Phật Tích[6].

Chu Quang Trứ (2012) đã giải thích: “ở Phật Tích có hai loại sóng: loại chung cho mọi đồ án sóng thời Lý là gồm vài dây dẫn ngang uốn lượn theo hình “sin” doãng nhịp nhàng, trong mỗi ngọn sóng cũng như giữa hai ngọn sóng lại có những ngọn sóng phụ không chân. Trên đợt sóng nước này là loại sóng thắt chân hình nấm, vẫn dàn ngang nhưng chồng chất tới năm đợt. Mỗi ngọn sóng có tới ba lớp to nhỏ bao nhau, mỗi lớp có từ hai đến ba tầng bởi những chỗ thắt gẫy của đường cong pa- ra- bôn, cuối thân sóng bẻ gấp cong vào tạo cho chân sóng thắt lại rồi uốn hơi cong lên để bắt sang chân sóng kế tiếp…”[7] Ở một đoạn khác ông viết: “sóng nước cách điệu gần như ngọn núi hợp bởi những đoạn cong gãy khúc, ba hoặc bốn đợt chồng chất nhau đều đặn thành một ngọn sóng, cứ thế lan ra bên cạnh thành hàng dài, ta đã gặp từ thời Lý- chẳng hạn trên bia chùa Long Đọi (Hà Nam) năm 1121- sang thời Trần vẫn tiếp tục phát triển, mà hình ảnh cuối cùng có lẽ là trên bia mộ Quận Đặng (Thanh Hóa) đầu thế kỷ XVI… Loại sóng này trên bệ đá hoa sen hình hộp, thấy sớm nhất là ở bệ đá các chùa Giao Thông, Thắng Phúc, Thiên Phúc (1346), chùa Nhạn Tháp (1578)”[8]. Hay ở đoạn khác ông viết: “Bia Sùng Thiện Tự Bi (bia Thị Đức, Hải Dương) năm 1331, chân bia hình sóng núi »[9].

Nguyễn Hùng Vĩ trong bài viết “Tiếp tục quan sát cột đá chùa Dạm” đã viết: “Chúng tôi đã kéo dây thăng bằng từ đó sang cột đá thì đúng vào mặt trên phần khối vuông của cột, tiếp giáp phần có đôi rồng chầu. Chúng ta yên tâm rằng, phần khối vuông đã được lắp kín 7 lớp đá mang hoa văn sóng rải và sóng lừng. Như vậy là phía dưới, hình dạng cái linga cũng sẽ không tồn tại nữa.” [10]

Nguyễn Văn Chiến trong bài “Giải mã cột đá chạm rồng chùa Dạm” (Hội nghị thông báo Khảo cổ học) khảo tả: “Lớp nền (thứ 1) này có cột đá chạm Rồng và bệ được khuôn viên tròn bằng đá chạm sóng nước (dạng sóng cồn ba lớp- tam sơn) và lớp cuối là đá trơn không chạm. 4 là: Đối diện với Cột đá cách ngang qua lối lên chính giữa là một khuôn viên vuông, mỗi chiều cạnh đều là (820cm), bó nền (cao 155cm). Với 6 lớp đá, gồm: bốn lớp đá xếp chạm văn sóng nước cuộn nổi (cao 135 cm), và một lớp đá chạm sóng dải. Các phiến đá chạm sóng nước này có mộng cá níu chắc vào nhau.”[11]

Nguồn: Trần Trọng Dương.

Chân thành cảm ơn tất cả các bạn!

Top